Không đơn thuần là pha cà phê, Barista còn được mệnh danh là những nghệ sĩ thổi hồn vào ly cà phê đấy các bạn ạ! Bây giờ, hãy cùng Phadincoffee tìm hiểu về nghệ thuật barista
>>> Bài viết liên quan:
Muốn pha một cốc cà phê ngon đòi hỏi rất nhiều công sức và giờ đây, nó đã được nâng tầm thành nghệ thuật. Nếu nói rằng pha cà phê là môn nghệ thuật thì người pha cà phê (hay còn được gọi bằng từ chuyên môn là barista) chính là một người nghệ sĩ.
Một công việc trong mơ dành cho những người đam mê cà phê
Barista – họ là ai?
Từ “barista” trong tiếng Ý có nghĩa là “người pha rượu” (“bartender” trong tiếng Anh). Sau này, vì tính chất công việc của một barista và bartender khác nhau nên nó dần trở thành danh từ riêng để gọi nghệ nhân pha cà phê.
Một barista chính hiệu là một “nghệ nhân” trong việc pha chế cà phê. Ngoài ra, họ còn là một quyển “từ điển sống” về cà phê: từ lịch sử của từng loại, quá trình rang, xay, cho đến cách pha chế truyền thống bắt nguồn từ đâu…
Như đã đề cập ở trên, barista là một người nghệ sĩ khi thổi hồn vào các ly cà phê, khiến chúng trở nên ngon hơn, có mùi vị đặc biệt. Không những thế, họ còn có khả năng “biến hóa” tách cà phê thành các tác phẩm nghệ thuật qua đôi bàn tay khéo léo (nghệ thuật trang trí). Các barista thường làm việc tại các quán cà phê hoặc nhà hàng. Một số barista khác muốn thử sức mình nhiều hơn có thể tự mở một quán cà phê cho riêng mình.
Kỹ năng cần có
Sự tỉ mỉ, cẩn thận là một điều rất quan trọng với barista. Họ phải chú ý trong từng khâu pha chế: từ việc đong lượng bột cà phê để pha cho đến việc điều chỉnh nhiệt độ của máy rồi cả thời gian để pha một tách cà phê… để thể hiện một cách chính xác vị đắng đặc trưng và mùi hương không thay đổi dù dưới bất cứ điều kiện gì.
>>> Đọc thêm: Mách nhỏ bạn biết một số gia vị cho cà phê đậm đà hơn
Hay như trong công đoạn sục khí nóng để tạo bọt sữa cũng vậy. Cappuccino cần bọt sữa mịn nhưng với Matchiatto thì bọt sữa lại có phần to hơn một chút. Vì thế, chỉ cần quá tay một chút, bọt sữa thành phẩm rất có thể sẽ không dùng được.
Thứ hai, hơn ai hết, barista phải là người am hiểu tính chất, đặc điểm của các loại cà phê để có thể chọn ra loại cà phê phù hợp nhất cho tách cà phê mà họ muốn. Sau đó, một barista giỏi sẽ còn cần thông thạo về kĩ thuật rang, xay, tẩm ướp, trộn vị nữa. Bởi công đoạn này có thể làm tăng thêm hương vị cho cà phê nhưng cũng có thể phá hủy hương vị của nó và đây cũng là yếu tố quyết định sự khác biệt trong tách cà phê mà barista đó pha chế.
Chỉ cần để ý tại các quán cà phê nổi tiếng ở Hà Nội hoặc Tp.Hồ Chí Minh bạn sẽ thấy mỗi nơi lại có một hương vị cà phê khác nhau. Nó rất đa dạng, từ đắng ngắt, hơi chua cho đến đầm đậm một chút muối… giúp người uống có nhiều lựa chọn và “đặc điểm để nhớ”, khiến chúng nổi bật lên trên hàng nghìn quán cà phê khác “na ná nhau”. Điều này có được là nhờ vào bí quyết trong khâu rang, xay đấy các bạn ạ.
Thêm một điều nữa, nếu muốn trở thành một nghệ nhân pha cà phê thực sự, bạn cần phải có một chút năng khiếu nghệ thuật, đôi tay khéo léo và sự sáng tạo để “vẽ” nên được các tác phẩm nghệ thuật trên những tách cà phê. Với một số mẫu thì sẽ có công thức nhất định nhưng để có phong cách riêng cho mình thì bạn nên tự sáng tạo.
Một vị giác tốt và một khứu giác tốt cũng là điều quan trọng cần thiết cho một barista. Nó sẽ giúp bạn tự thẩm định được chất lượng của tách cà phê. Và đôi khi nó cũng là công cụ giúp bạn học hỏi được bí quyết nhà nghề nữa cơ. Vì thế, nếu đã có vị giác và khứu giác tốt rồi thì bạn nên giữ gìn và bảo vệ nó.
Không chỉ “thuần” pha chế cà phê, đôi khi, barista cũng phải tự mình đem đồ uống cho khách. Chính những lúc này, bạn sẽ có cơ hội giao lưu với người trực tiếp sử dụng sản phẩm của mình. Những câu chuyện thú vị về đồ uống, kiến thức cà phê, giá trị dinh dưỡng của từng loại sẽ giúp bạn ghi điểm rất lớn trong mắt khách hàng. Sau những cuộc trao đổi như thế, nếu có thể, bạn hãy cố gắng ghi nhớ khẩu vị của từng vị khách khác nhau. Nó sẽ giúp bạn “hạ gục hoàn toàn” vị khách đó trong những lần ghé cửa hàng kế tiếp. Điều này cho thấy rằng, bạn cần có sự tự tin, thân thiện và một trí nhớ tốt nữa đúng không?
>>> Tham khảo: Tổng hợp 5 công thức pha cà phê ngon nhất thế giới
Ngoài ra, một barista còn cần có một sức khỏe tốt, khả năng chịu được cường độ công việc cao. Bởi với công việc này, sẽ có những ngày bạn phải đứng và vận động liên tục trong suốt thời gian làm việc của mình. Và nên có chế độ sinh hoạt, thư giãn đầu óc một cách hợp lý nếu không, bạn sẽ không thể qua được “cửa ải” của những vị khách khó chiều.
Yêu cầu bên lề
“Nhà sạch thì mát, tách sạch thì… cà phê ngon”, vệ sinh quán cũng là một việc tối quan trọng đối với barista không kém gì việc pha cà phê ngon. Bạn sẽ khó lòng đem đến sự thoải mái tuyệt đối cho khách hàng, giúp họ tận hưởng trọn vẹn hương vị của ly cà phê nếu quán luôn trong tình trạng nhếch nhác, lộn xộn. Trong những lúc vãn khách, hãy tranh thủ làm vệ sinh khu vực pha chế cà phê sau quầy để giữ mọi thứ luôn trong tình trạng sạch sẽ.
Học cách chấp nhận và xa người thân trong những ngày nghỉ, dịp lễ đặc biệt. Bạn sẽ không có những ngày nghỉ giống như các công việc khác vì ngày lễ của khách hàng lại chính là ngày bạn phải phục vụ nhiều hơn cả. Vào những dịp cuối tuần hay ngày lễ như thế, bạn sẽ luôn phải hoạt động với 200% sức lực mới có thể hoàn thành tốt công việc.
Bắt đầu như thế nào?
Tại Việt Nam, bạn có thể xin học nghề tại các hệ thống cửa hàng cà phê nổi tiếng, họ sẽ đào tạo cho bạn những điều căn bản nhất để có thể trở thành một barista. Bên cạnh đó, học hỏi kĩ thuật rang, xay tại các quán cà phê có truyền thống lâu đời cũng là một ý hay. Nếu như tại các hệ thống cà phê nổi tiếng chỉ có thể dạy cho bạn phương pháp cơ bản thì tại những quán cà phê lâu đời, rất có thể bạn sẽ học hỏi được bí quyết thực sự. So với các quán cà phê hiện đại chủ yếu là cà phê Ý, các quán cà phê cổ truyền sử dụng loại cà phê gần gũi với khẩu vị của chúng ta hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xin học ở các trường hoặc trung tâm dạy nghề hay nếu có điều kiện thì tham gia học các khóa đào tạo ở nước ngoài. Tại những nơi đó, bạn sẽ được học đầy đủ hơn về các kĩ năng để trở thành một barista.
Trong thời gian học, việc chăm chỉ đọc thêm các tài liệu về cà phê, tìm hiểu những điều thú vị cũng như văn hóa cà phê rất cần thiết. Đây sẽ là “vốn” cần dùng khi bạn giao tiếp với khách hàng đấy. Bên cạnh đó, chú ý học hỏi xung quanh cũng là điều cần thiết. Đối với ngành công nghiệp dịch vụ, kinh nghiệm càng nhiều thì… càng ít. Việc được thụ giáo kiến thức của người đi trước luôn là tài sản quý báu của Barista.
Nếu bạn đam mê, hãy thử làm. Có thể bạn sẽ trở thành một barista chuyên nghiệp đấy!
>>> Có thể bạn quan tâm: may xay cafe